07 February, 2017

Phương Pháp Học Đại Học Dành Cho Sinh Viên (Phần 1)

PHẦN 1: CHUẨN BỊ CHO ĐỜI SINH VIÊN

TƯ TƯỞNG, ƯỚC MƠ

Sau cuộc vượt vũ môn đầy ngoạn mục, các bạn học sinh lớp 12 đã chính thức trở thành những sinh viên đại học. Chúc mừng các bạn một lần nữa. Một cuộc sống mới đang mở ra trước mắt các bạn. Tuy cuộc sống này không biết có tốt hơn hay tệ hơn cuộc sống lúc học cấp 3 không. Nhưng chúng ta vẫn luôn hy vọng một tương lai tươi sáng đang đón chờ chúng ta phải không nào. Như một câu nói đang thịnh hành trong giới trẻ hiện nay là “Giấc mơ không ai tính tiền hết, cứ mơ mộng thỏa thích”. Vâng chúng ta hãy ước mơ sau này mình được làm những công việc rất phù hợp với khả năng, nguyện vọng; có khả năng nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp ít nhiều vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội và đất nước, vào nếu có hoài bão hơn nữa sẽ đứng lên gánh vác xông pha vào công việc của cả thế giới này.
Điều mình muốn nói ở đây để chuẩn bị cho cả một con đường dài học đại học sắp tới là hãy có một ước mơ thật cao đẹp, thật lý tưởng và làm một nguồn động lực giúp mình vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc sống sinh viên sau này. Đây là yếu tố then chốt cho sự thành công của các bạn không những trong cuộc sống đại học mà còn cả một sự nghiệp dài sắp tới nữa. Các bạn cũng phân biệt giữa ước mơ và tham vọng nhé. Hãy ước mơ thật cao xa nhưng đừng rơi vào tham vọng. Vậy ước mơ là gì và tham vọng là gì. Ước mơ là những “mơ ước” của mình sau này đạt được những thành công này nhưng mang lại lợi ích cho cuộc đời. Còn tham vọng cũng là những “mơ ước” của mình nhưng chẳng mang lại lợi ích cho cuộc đời hết. Ví dụ, có một em bé ước mơ sau này thật giàu, nếu hỏi tiếp nếu giàu thì con sẽ làm gì. Nếu em bé trả lời rằng, giàu để giúp đỡ những người thật sự cần đến sự cưu mang, giúp đỡ của con thì đó là ước mơ. Còn nếu em bé trả lời rằng, giàu để được ăn uống thật ngon, có nhà cao cửa rộng để mọi người thán phục, có tiền để thuê mọi người làm được việc này việc nọ theo ý của mình mà không cần biết tốt hay xấu. Nó sống với phương châm “Cái gì nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” thì đó gọi là tham vọng.

phương pháp

Sau khi chuẩn bị cho mình một ước mơ cao đẹp, việc tiếp theo chúng ta cần làm là trở về thực tại, không lẩng quẩng ở trên mây nữa. Phải bước đi từ mặt đất để dần dần đạt được những ước mơ ở trên mây đó. Phải luôn nhớ rằng, thực tế khác xa mơ ước. Phải trải qua biết bao nhiêu là khó khăn gian khổ, phải học lại một môn tới mấy chục lần (nói hơn quá :D) nhưng không bao giờ được nản, vì nếu mình nản thì mọi việc coi như xong, mọi con đường của mình sau này coi như đóng lại hoàn toàn. Và một điều cần tránh là có những bạn học đại học một cách cực kỳ dễ dàng, lâu lâu lại nghe bạn đó được học bổng này, đi giao lưu văn hóa ở một nước nọ. Được thực tập tại những công ty danh tiếng hàng đầu thế giới. Hay chuẩn bị đi du học nước ngoài tại Anh, Mỹ, Úc, Châu Âu… và tưởng bở rằng cuộc đời của mình cũng sẽ suôn sẽ như vậy. Đó là một chuyện hầu như không thể đối với phần lớn chúng ta. Mình nhấn mạnh là phần lớn chúng ta (có khi đến 99%). Chỉ có những bạn bẩm sinh giỏi từ nhỏ, cộng thêm gia đình có điều kiện cho ăn học, có những người “đỡ đầu” hết sức quyền lực thì may ra. Những trường hợp đó, có bao nhiêu là người ta liền công bố. Nhưng số này trên tổng số sinh viên học đại học thì chẳng đáng là bao. Điều này giống như bạn mua vé số. Số lượng người trúng là cực kỳ thấp nhưng trúng là tung tin liền, chứ chẳng ai công bố số người không trúng vé số cả.
Chúng ta phải luôn nhớ rằng, và chấp nhận rằng mình còn rất kém cỏi, cần phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa và sẽ leo cầu thang có chân tựa vào đất trước rồi từ đó leo dần, leo dần lên những nấc thang cao hơn. Chứ đừng “ham hố” leo những cầu thang có chân trên không, không có tựa vào đâu hết, lúc đó thì trèo càng cao, té càng đau. Cũng giống như xây một lâu đài trên cát vậy đó, không bao lâu sẽ sập lúc nào không biết. Sập rồi nhưng cũng chẳng rút ra một bài học quý giá nào hết vì tâm tự cao, cho rằng mình tài giỏi che mất mắt ta. Nhưng chúng ta cũng không được bi quan quá, thấy cao như vậy, mình leo cả đời cũng không hết nổi, thôi, mình cứ an phận thủ thường, sống nhàn nhàn như vậy là được rồi. Như vậy sẽ dập tắt mọi ước mơ, hy vọng của mình, từ đó “rãnh rổi sinh nông nổi”, không có việc gì làm thì nghĩ chuyện bậy, nghĩ chuyện hại người. Vì nếu chúng ta không kiên trì quét dọn tâm mình bằng những ước mơ hy vọng của mình thì những chuyện xấu sẽ tự động bám thành bụi trong tâm hồn của ta. Điều trung đạo là “hãy ước mơ thật tốt đẹp nhất nhưng phải chuẩn bị cho những chuyện tồi tệ nhất có thể xảy ra.” Nếu được như vậy thì chúng ta sẽ giữ được tâm bình thản trước cuộc đời đầy sống gió phía trước.
Đọc tới đây chán quá nhỉ, toàn là lý thuyết, thuyết giáo không à. Mình cũng xin lỗi các bạn, nhưng dù muốn dù không thì mình cũng xin thành thật khuyên các bạn trước để chuẩn bị về mặt lý tưởng trước. Tiếp theo mình xin nói về chuẩn bị về các mặt khác của cuộc sống đại học.

TIẾNG ANH, SỐNG TỰ LẬP HƠN

Sau khi có có kết quả thi đại học xong, thường thì các bạn sẽ có đến khoảng từ nửa tháng đến một tháng để chuẩn bị, khăn gói lên đường. Vậy việc mình cần làm trong khoảng thời gian này là như thế nào. Các bạn nên dành thời gian ôn tập lại tiếng Anh của mình vì phần lớn các trường đều có yêu cầu hoặc tổ chức thi tiếng Anh đầu vào để sắp xếp lớp học phù hợp với trình độ. Hoặc ít ra cũng không phải tốn tiền cho các môn tiếng Anh học ở đại học sau này. Như ở trường đại học Bách Khoa Tp.HCM, sinh viên sẽ được kiểm tra tiếng Anh đầu vào, những bạn nào đạt chuẩn của trường rồi (thông thường là trên 550 điểm TOEIC) thì khỏi phải học tiếng Anh. Tiết kiệm được khối tiền đấy, hoặc nếu không được chuẩn 250 điểm TOEIC thì phải hoãn các môn anh văn này cho đến mấy học kỳ sau, càng về sau học phí càng tăng nữa.

phương pháp

Và mình cũng xin được khẳng định rằng, nếu các bạn không học tiếng Anh từ cấp 2, cấp 3 thì lên đại học mới bắt đầu học thì là một sai lầm hết sức lớn. Chỉ khoảng 5% các bạn SV với ý chí, nghị lực vô cùng lớn cùng với những trí thông minh cao thì may ra mới bắt đầu học tiếng Anh từ đại học và năm cuối đại học mới có thể nói tiếng Anh như gió. Còn những người bình thường như chúng ta phải luyện từ nhỏ rồi tiến lên dần dần vì 2 nguyên nhân sinh học như sau. Thứ nhất, càng lớn tuổi, khả năng học từ vựng của chúng ta càng kém, và các bạn cũng biết, từ vựng là vô cùng quan trọng trong ngôn ngữ dù muốn dù không chúng ta phải chấp nhận sự thật này. Thứ 2, càng lớn tuổi, giọng của ta bị đơ cứng, không thể chỉnh được để nói giống giọng của người bản xứ được. Ngoài ra, chi phí học tiếng Anh ở đại học không hề rẻ, đắt gấp nhiều lần ở cấp 3, nhất là các bạn từ tỉnh lên thành phố. Bên cạnh đó, bạn còn bỏ qua những cơ hội vô cùng lớn so với các bạn ngay từ năm nhất được có nhiều chương trình, tham gia các hoạt động nhiều hơn, và đọc những tài liệu bằng tiếng Anh để tìm hiểu sâu hơn các vấn đề mình quan tâm. Đó là điều thiệt thòi lớn nhất.

phương pháp

Điều tiếp theo các bạn cũng cần chuẩn bị là khả năng sống tự lập, đặc biệt là các bạn SV phải sống xa nhà. Các bạn nên nhờ bố mẹ chỉ dạy một số kỹ năng cơ bản trong cuộc sống như giặc giũ, may vá sơ sơ để ránh quần áo còn biết vá, nấu ăn các món cơ bản không còn ngon lắm nhưng ăn được. Sửa chữa điện dân dụng như thay bóng đèn, cầu chì…Mình nhấn mạnh ở đây là cả nam lẫn nữ đều phải biết cơ bản những điều trên. Ngoài ra phải chuẩn bị về mặt tinh thần, điều hết sức quan trọng.

CÁC CÁM DỖ

Cuộc sống đại học không yên bình như bạn nghĩ nếu bạn sống xa gia đình, đầy những cạm bẫy, cám dỗ. Mình cũng thành thật khuyên các bạn, nếu có người thân ở thành phố thì một, hai năm đầu nên ở chung với người thân để đúc kết thêm kinh nghiệm rồi mới ra ở riêng. Hoặc nếu ở KTX thì đăng ký ở KTX đừng ở trọ ở ngoài. Thứ nhất là vì lý do an ninh, nhưng cũng vì lý do là ở KTX các bạn mới thật sự nếm trải mùi sinh viên thật sự là như thế nào. Cũng đừng có bạn nào vỗ ngực xưng tên là mình có thể đương đầu với mọi khó khăn mà không hề hấn gì. Có rất nhiều cám dỗ nhưng mình chỉ xin liệt kê một chút ở đây mà thôi, không thể kể hết nổi. Nào là bán hàng đa cấp, phần lớn SV đều bị dính vào cái này, ai cũng bị kích thích lòng tham cực độ, kiếm thật nhiều tiền bằng bán hàng để trở thành những đại gia có 200 triệu hàng tháng, nhưng đâu biết là đang bóc lột, “hút máu” của gia đình, người thân và bạn bè. Các sản phẩm giá 200K, 300K bán đến 1 triệu rưỡi, 2 triệu… Mình có rất nhiều bạn bè bị lôi cuốn vào mạng lưới bán hàng này. Và mình cũng có lần bị một thằng bạn cấp 3 “dụ” đi nghe hội thảo, nhưng may là mình có ai đó mách bảo, luồn qua, lọt lại mới thoát được không bị dụ dỗ vào mạng lưới này, thật cũng cảm ơn những người đã giúp đỡ mình chứ mình cũng tham chứ, không người thường nào mà không tham cả.

phương pháp

Cám dỗ thứ 2 thường gặp là chuyện nam nữ. Các bạn mới vào cổng trường đại học trong độ tuổi sinh lý phát triển mạnh, nhất là các bạn nam, luôn bị hấp dẫn, thôi thúc bởi những bạn khác phái (đôi khi có cùng phái nữa :D). Điều này là điều sinh lý hết sức bình thường của con người nhưng cũng là hết sức tầm thường. Khi sống với gia đình, bố mẹ luôn kìm kẹp, luôn khuyên nhủ nên cũng ráng giữ mình lắm. Nhưng đến khi sống xa rời bố mẹ, không có ai kìm kẹp, khuyên nhủ hết nên mình sống thả ga, phóng túng. Bạn nào mà tốt lắm thì tìm đến chuyện tham gia hoạt động thể dục thể thao, các công tác tình nguyện đòi hỏi nhiều sức lực để giải phóng “năng lượng dư thừa” luôn khao khác được “xả” như thế này. Nhưng tỉ lệ này rất hiếm. Phần đông là tìm cách giải quyết bằng cách “tự sướng” bằng các biện pháp lành mạnh như TD… (:D). Điều này cũng không hẳn là xấu, nếu có điều độ thì được, nhưng nó như là một thư ma túy, đã vướng vào rồi thì không ai thoát khỏi, cũng thôi thúc có bạn làm TD có khi đến vài lần một ngày, làm cơ thể suy nhược, không còn khả năng học tập, ngoài ra không những TD không vì chưa đủ đô, còn lướt hàng loạt các trang web 3x, các bộ phim “chăn nuôi gia súc”, có khi cả phòng cùng coi… Điều này là hết sức tránh vì làm vấy bẩn tâm hồn của ta, làm cho trí tuệ của người coi giảm đi rõ rệt. Các bạn còn nặng hơn nữa phải tìm đến với “ăn bánh trả tiền” để giải quyết chuyện đó. Rồi bao nhiêu chuyện thương tâm xảy ra, mang biết bao nhiêu là loại bệnh trên người, sa ngã vào các điều còn xấu xa hơn.

3 THÁI ĐỘ CẦN CÓ

Và một khó khăn nữa mình cũng xin được kể ở đây đó chính là sống hòa hợp với mọi người. Mỗi người ai cũng có một tính cách riêng, không ai giống ai, ai cũng có chỉ có những bậc sinh thành mới có đủ sức bao dung để chịu đựng những tính cách thất thường của chúng ta mà không nói một lời, sẵn sàng hy sinh cho chúng ta tất cả mà không cần con mình đền đáp, chỉ mong con mình sống thật tốt, nuôi dưỡng, xây dựng gia đình sau này của nó. Còn bạn bè cấp 3 thì cũng quen thân, lâu lâu gặp một lần mà thôi chứ không sống với nhau thường xuyên nên chịu đựng thường xuyên mình được. Nhưng vào đại học thì khác, bạn cùng phòng của mình phải chịu đựng mình suốt cả ngày nhưng lại chưa đủ lòng bao dung như bố mẹ của mình được nên chuyện xung đột là chuyện hết sức bình thường. Đứa này thì thích làm cái này, đứa kia lại thích làm theo cách kia, như không cũng cãi nhau, nhất là các bạn nữ, hở chút là giân hờn nhau. Cách xử lý là tùy thuộc vào chỗ khôn khéo của mỗi người, chứ ai không giúp ai được hết, mình chỉ khuyên là nên hạ bớt cái tôi mình xuống, lắng nghe nhiều hơn là biểu đạt, nghĩ thử coi nếu mình trong trường hợp của bạn mình thì mình phải làm sao.

phương pháp

Đó chỉ mới nói sơ sơ các cám dỗ, khó khăn thôi, các bạn tự chiêm nghiệm thêm cho mình nhé. Còn vài điều nữa trước khi mình đi sâu vào từng năm một. Về thái độ của mình. Đối với thầy cô giáo thì mải phải hết sức kính trọng, không được khinh thường ngay cả khi thầy cô đó dạy dở đến mức nào. Nếu học với thầy cô đó không có tiến bộ gì thì chịu khó nói với thầy cô điểm mình chưa hiểu nhờ thầy cô giúp đỡ thêm, giải thích thêm. Còn nếu vẫn không có tiến bộ gì thì nên tìm thầy cô khác để học, và mong thầy cô đó có cách trình bày dễ hiểu hơn, tuyệt đối không được chê bai thầy cô này dạy dở, dạy không hiểu gì hết. Bệnh này phần lớn mọi người gặp phải hết, và mình cũng bị bệnh này. Chính do bệnh này làm các bạn gặp khó khăn hơn trong học tập, khó mà tiếng bộ sau này. Ngoài thầy cô ra, các bạn phải biết kính trọng những người đáng kính trọng khác như người lớn tuổi hơn, vì họ có kinh nghiệm sống nhiều hơn mình, mình phải học hỏi ở họ rất nhiều.

phương pháp

Bệnh cạnh kính trọng những người đáng kính, các bạn cần phải yêu thương, tôn trọng những người xung quanh mình như bạn cùng phòng, bạn học….Chính những người bạn đó chứ không ai khác sẽ theo mình suốt quãng đời sinh viên của mình, thương yêu bạn bè cũng giống như anh chị em của mình, như là một gia đình, có khó khăn cần đến nhau trong lúc hoạn nạn. Chính những khi bạn bị sốt thì bố mẹ không thể chạy từ quê vào chăm sóc cho bạn được mà là chính những người bạn cùng phòng là người sẽ thay phiên, chăm sóc cho ta. Hay những lúc cùng nhau ôn bài, chuẩn bị cho thi giữa kỳ, cuối kỳ, hay những đêm cùng nhau thức để xem bóng đá, ngắm sao băng, đi bão “bộ” sau những trận đấu nảy lửa của CLB mình thích… đó chính là những kỷ niệm hết sức đẹp của đời Sinh Viên. Chúng ta không thể sống hai lần được, do đó từng giờ từng phút chúng ta hãy thương yêu những người xung quanh chúng ta vì để không sau này phải hối tiếc. Và cũng chính người những người bạn này là những người giúp chúng ta tìm được việc làm, giúp đỡ chúng ta trên con đường sự nghiệp của mình. Dân gian ta có câu “Giàu vì bạn” quả là không sai.

phương pháp

Và điều cuối cùng nữa mình muốn chia sẽ để mình chuẩn bị cho cuộc sống đại học nữa là phải hết sức khiêm tốn. Bản tính con người là luôn coi mình là quan trọng, muốn mọi người phải lắng nghe ý kiến của mình, luôn chấp ý của mình là đúng nhất. Chính những điều này lại cản trở chúng ta rất lớn trên con đường học tập kiến thức và kinh nghiệm sống. Các bạn phải luôn biết rằng, những nhà bác học lớn của nhân loại luôn luôn khiêm tốn. Như Newton đã từng nói “Những gì tôi biết chỉ là một giọt nước, mà những gì tôi chưa biết như cả một đại dương” hay Albert Einstein cũng có nói rằng “phần lớn những phán đoán ý nghĩ của tôi là sai” hay câu “Có một cách chắc chắn để không mắc phải sai lầm đó là không có ý kiến mới nào của riêng bạn”. Do đó phải hết sức khiêm tốn với những gì mình học được, vẫn luôn biết là mình còn rất dở, phải cố gắng nhiều hơn nữa, và đặc biệt là không được cho ý nghĩ của mình là đúng. Sở dĩ trăm con sông chảy về biển vì do biển thấp nhất, biển sẵn sàng tiếp thu những tinh hoa của mọi người vì biển biết khiêm tốn. Ngược lại, nếu bạn tự cao cho mình đã biết hết rồi, cho mình luôn đúng thì giống như cây mọc trên núi cao, phải trơ trọi chịu đựng sương gió, nắng nôi, hiu quạnh.
Thôi, mình xin tạm thời kết thúc phần một – chuẩn bị cho đời sống sinh viên. Mình sẽ tiếp tục loạt bài viết này trong các tuần sau, mong các bạn ủng hộ bằng cách đóng góp thêm ý kiến. Hy vọng các bạn có thêm thông tin để chút gì đó chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên của mình. Mình xin tóm tắt lại ý chính của bài viết. Chuẩn bị cho cuộc sống đại học cần rất nhiều sự chuẩn bị, đầu tiên là phải có ước mơ. Tiếp theo chuẩn bị tiếng Anh, sống tự lập hơn. Có rất nhiều cám dỗ đang chờ đợi mình và cuối cùng là 3 thái độ cần có: kính trọng người đáng kính (thầy cô), yêu thương, giúp đỡ bạn bè và khiêm tốn.
Nguồn: Ybox.vn

0 comments :

Post a Comment