31 January, 2017

Cách Lấy Lại Tinh Thần Học Hành Sau Kỳ Nghỉ Lễ

Đúng là nghỉ lễ xong, thực tình chẳng muốn học hành gì... Khó quá, làm sao đây?

Đi học ấy mà, cứ nhắc tới nghỉ lễ là sướng, chứ hết lễ rồi đi học chả ai vui. Đầu óc lúc nào cũng chỉ vương vấn mấy ngày nghỉ hết ăn ngủ rồi lại chơi, chả thấy chút tinh thần nào để tập trung vào sách vở cả. Đó chính xác là tâm trạng của tất cả chúng ta bây giờ đây, vậy làm gì để thoát khỏi cảm giác ì ạch hậu nghỉ lễ?

1. Bắt đầu ngày mới bằng cách khác đi

Sự mới mẻ chắc chắn sẽ là động lực to lớn nhất để bạn cảm thấy hưng phấn hơn. Thế nên, nếu như quy trình một ngày bình thường vẫn là dậy lúc 6h, ngáp ngắn ngáp dài, thay quần áo rồi tới trường luôn chẳng kịp ăn sáng thì bây giờ tranh thủ ăn sáng đổi gió xem sao. Hoặc nếu như bình thường vẫn đi học một mình thì hôm nay thử hẹn hò bạn bè cùng đi. Tóm lại là thử bắt đầu ngày mới bằng cách khác đi sẽ có cảm giác đỡ nhàm chán hơn đó.

cách lấy

2. Ngưng than vãn

Vì có than thở thì bài vẫn phải đi học, thi vẫn phải thi thôi chứ, nên cứ tự làm mình thêm chán nản làm gì. Thở ngắn than dài với những người cũng chưa có tinh thần học hành như mình thì chỉ khiến câu chuyện... chán thêm thôi! Chuyện trò gì đó tích cực hơn đi, vui vẻ lên nữa thì mới hào hứng được chứ!

3. Đừng học tập với cường độ cao quá 

Vừa mới nghỉ lễ xong mà, cơ thể đang hơi rệu rã, tâm trí thì bận vương vấn cảm giác nghỉ ngơi, nên lao vào học tập ôn luyện với cường độ nặng chắc chắn sẽ khiến bạn thêm mệt thôi. Vậy nên sắp xếp thời gian hợp lý một chút, chia nhỏ những phần việc phải làm ra để đảm bảo vẫn giải quyết hết mọi thứ nhưng không có cảm giác kiệt sức, nặng nề.

cách lấy 2

4. Nhớ giải trí và nghỉ ngơi

Sẽ chỉ mất 1,2 ngày gì đó để bạn quen lại với nhịp độ học tập bình thường thôi. Thế nhưng trước khi lấy lại được tinh thần và phong độ, bạn phải chống chọi lại cảm giác ì ạch sau lễ cái đã. Đúng là vừa nghỉ lễ xong thật, nhưng giải trí hay nghỉ ngơi vẫn là nhu cầu chính đáng phải có mà. Cái này phụ thuộc vào sở thích, thói quen của mỗi người thôi, nhưng muốn học tập hiệu quả thì đừng quên những cách thư giãn để bản thân có tinh thần thoải mái nhất cho dù vừa nghỉ lễ xong.
Theo Trí Thức Trẻ

24 January, 2017

Phương Pháp Kiểm Tra Và Thay Thế Kim Phun Trên Ô Tô

Phương Pháp kiểm tra và tự thay thế kim phun hỏng trên ô tô.

Hướng dẫn an toàn

Bảo hộ an toàn khi làm việc như đeo kính bảo hộ, mang găng tay nhựa và giày bảo hộ khi làm việc.

Các bước thực hiện

Bước 1: Mở nắp ca-bo xe và xác định vị trí kim phun.

phương pháp

Bước 2: Gắn bộ kiểm tra kim phun vào van kiểm tra áp suất trên đường nhiên liệu

Bước 3: Chuyển chìa khóa sang vị trí ON để bơm xăng bơm nhưng không khởi động động cơ.

Bước 4: Nhấn nút “test “trên bộ kiểm tra kim phun và cho bộ kiểm tra kích hoạt kim phun theo một khoảng thời gian cần thiết.

Bước 5: Lập lại bước kiểm tra này với các kim phun còn lại và ghi lại áp suất được chỉ thi trên bộ kiểm tra kim phun.

Bước 6: Sau khi tất cả kim phun đã được kiểm tra hoàn tất và có được tất cả giá trị áp suất, tìm giá trị trung bình của áp suất đo bằng cách cộng lại tất cả giá trị lại và chia cho số lượng kim phun ở động cơ.

Bước 7: So sánh giá trị áp suất kim phun với giá trị trung bình, đơn vị là PSI. Nếu kim phun nào có giá trị lớn hơn hoặc nhỏ hơn 1.5 PSI so với giá trị trung bình nghĩa là kim phun có lỗi và cần được thay thế.

Bước 8: Sau khi xác định được kim phun nào cần được thay thế, thực hiện theo những hướng dẫn về việc tháo và thay thế.

Bước 9: Xác định vị trí và ngắt nguồn rờ le bơm xăng. Khởi động động cơ để tiêu thụ hết lượng nhiên liệu còn lại bên trong đường nhiên liệu. Công việc này nhằm giảm hết áp suất nhiên liệu trong hệ thống và việc tháo rời kim phun sẽ an toàn hơn.


Bước 10: Xác định vị trí ốc bắt ống nhiên liệu vào động cơ. Nới lỏng những ốc này, để có thể rút những kim phun ra nhưng vẫn còn gắn trên ống nhiên liệu.

Bước 11: Khi đã tháo rời kim phun và ống nhiên liệu ra khỏi động cơ. Tháo giắc điện nối với kim phun hỏng.


Bước 12: Sau khi đã thay thế hết những kim phun hỏng, gắn lại giắc kết nối vào kim phun, tiếp theo gắn ống nhiên liệu vào động cơ, cho động cơ nổ ở tốc độ cầm chừng kiểm tra động cơ nổ có ổn định hay không.

Nỗi Khổ Chung Của Sinh Viên Khi Tết Đến

Đừng nghĩ Tết đến thì sẽ vui, trước khi vui cũng cần chịu khổ cái đã.

Giờ này thì sinh viên nhiều nơi hoặc là đã nghỉ, hoặc đang sắp sửa được nghỉ cả rồi. Tết đến, được nghỉ học cũng vui, nhưng trước khi vui vẻ đón năm mới, về với bố mẹ ở nhà, sinh viên cũng phải đi qua không ít nỗi khổ như này...

1. Lo không mua được vé để về quê

Với những bạn nhà ngay thành phố thì không nói làm gì, nhưng đi học xa nhà, cứ dịp Tết này đã phải sốt sắng lo vé từ trước đó có khi cả tháng. Vé tàu, vé xe, thậm chí cả vé máy bay nữa chứ... Vé tăng thì không nói làm gì, nhiều khi chấp nhận giá đắt nhưng lại còn chẳng có vé để mà mua. Canh me lịch nghỉ Tết, rồi xếp hàng cả tiếng, đôi lúc là đi đến mấy ngày, hay mua đi nhượng lại trên Facebook mới có được tấm vé mà về quê.



2. Tết đến nơi, chả ai... muốn học

Thực tình đây là khoảng thời gian rất ì ạch trong năm, vì chẳng muốn học hành gì cả, chỉ muốn được nghỉ Tết luôn thôi... Tâm trạng lúc nào cũng là đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa được nghỉ, đến trường cũng chỉ nói toàn chuyện mua sắm Tết nhất, bao giờ về quê mà thôi...

3. Bận rộn cái cảnh vừa học vừa làm

Tết là thời điểm nếu như cố gắng làm thêm, bạn sẽ kiếm được một khoản kha khá. Thế nên nhiều bạn đã tranh thủ thời điểm này để kinh doanh, làm PG, shipper, bán hàng... vì muốn kiếm thêm chút tiền tiêu Tết.

Nhưng bù lại, vừa đi học vừa đi làm sẽ khiến bạn cực kỳ bận rộn, đôi khi vì mải lo kiếm tiền mà thiếu tập trung rõ rệt trong chuyện học tập ở trường, sức khoẻ cũng không đảm bảo. Làm thế nào để cân bằng được cả 2 việc này là một câu hỏi khiến nhiều sinh viên phân vân.



4. Tết về quê, đồ đạc, xe cộ gửi đâu?

Thêm một nỗi lo mà những bạn học xa rất đồng cảm, đó là Tết về quê từ 1 tuần - 10 ngày, hoặc có thể hơn thì đồ đạc ở phòng trọ để lại có được bảo đảm không? Xe cộ biết gửi đâu cho an toàn? Không chỉ là vấn đề an ninh mà còn là vấn đề vệ sinh nữa. Những ai từng đi qua 1 cái Tết về quê và đồ đạc bỏ lại rồi thì biết, ra Tết, hầu như tất cả đều bẩn thỉu, bị chuột, gián ghé thăm, hỏng hóc là chuyện thường...



5. Ôn tập thế nào?

Có một vài trường nghỉ Tết xong sinh viên mới bắt đầu bước vào kỳ thi, thế nên ôm nỗi lo bài vở nghỉ Tết là đã đủ để ăn Tết bớt ngon rồi. Dĩ nhiên, ai cũng muốn được xả hơi, vui vẻ trong ngày Tết, nhưng còn bài vở đó, ôn luyện sao giờ?
Theo TRÍ THỨC TRẺ

22 January, 2017

12 Mẹo Trong Nghệ Thuật Giao Tiếp

Sự tinh tế, khéo léo trong cách ứng xử với mọi người đã giúp cho chúng ta đạt tới một nghệ thuật, nghệ thuật giao tiếp.


Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường xuyên phải giao tiếp với nhiều người, với nhiều đối tượng thuộc các tầng lớp khác nhau. Và chính sự tinh tế, khéo léo trong cách ứng xử với mọi người đã giúp cho chúng ta đạt tới một nghệ thuật, nghệ thuật giao tiếp.

Có thể, bạn rất khéo trong cách nói chuyện nhưng lại rất khó khi bắt đầu, hoặc kết thúc cuộc nói chuyện? Hãy thử làm theo một số mẹo dưới đây để giúp bạn tự tin hơn nhé!

1. Khi bắt đầu một cuộc gặp, cần chuẩn bị một số vấn đề để thảo luận cũng như các câu hỏi có liên quan. Nếu bạn đã từng gặp một người nào từ trước đó, cố gắng nhớ những thông tin về anh ấy, các thói quen, sở thích hoặc bất cứ vấn đề gì liên quan đến cả bạn và anh ta.

2. Đầu tiên hãy nói lời chào. Nếu bạn không chắc họ nhớ tên của mình thì hãy giới thiệu tên của bạn để tránh bị bối rối. Cười và bắt tay đối tác.

3. Giới thiệu về mình, cố gắng nhớ tên của đối tác và nên sử dụng thường xuyên.

4. Hãy bắt đầu câu chuyện bằng các câu hỏi mở. Ví dụ “Mọi người tham dự có vẻ rất đầy đủ, anh đến đây được bao lâu rồi?” Hoặc bạn cũng có thể hỏi về các chuyến đi, hỏi xem họ có quen biết những vị khách khác không, và quen trong trường hợp nào.

5. Lắng nghe và đưa ra các ý kiến phản hồi để thể hiện bạn là người rất quan tâm đến câu chuyện của đối tác. Mắt nhìn đối tác, đừng bao giờ liếc quanh căn phòng trong khi họ đang nói.

6. Bạn nên lắng nghe nhiều hơn nói.

7. Hãy đóng góp ý kiến một cách tích cực. Luôn cập nhật thông tin, sự kiện để câu chuyện thêm phong phú. Hãy bắt đầu bằng câu hỏi: "Bạn nghĩ gì về vấn đề…? "Bạn đã bao giờ nghe…" …Tuy nhiên, cũng cần tránh đưa quá nhiều chủ đề bởi như vậy rất dễ rơi vào tình trạng lan man, nhàm chán.

8. Hãy tiếp cận và liên kết mối quan hệ giữa nhiều người với nhau trong cuộc gặp để câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.

9. Nếu một ai đó đưa cho bạn một tấm card, hãy đón nhận như là một món quà. Cầm bằng cả hai tay, và dành một chút thời gian để đọc nó. Khi đã đọc xong, cất tấm card vào trong túi áo hoặc trong ví để khẳng định giá trị của nó.

10. Ngôn ngữ cơ thể cũng rất quan trọng. Nó sẽ chỉ rõ bạn là người như thế nào. Do vậy, dù muốn hay không, khi nói chuyện với người khác cũng phải thể hiện sự mạnh mẽ, tự tin để người khác cảm thấy bạn là người nhiệt tình.

11. Trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện, hãy quan sát và lắng nghe những phản ứng của đối tác để có những điều chỉnh thích hợp.

12. Khi kết thúc cuộc gặp, hãy chắc rằng bạn rời đi một cách tế nhị. Ví dụ "Xin lỗi, tôi có một chút việc ở đằng kia, hẹn gặp lại anh nhé!".

Nhớ rằng, mục tiêu trong cuộc gặp là để lại ấn tượng tốt với mọi người, tạo dựng và duy trì mối quan hệ lâu dài với đối tác. Vì thế bạn cần phải khéo léo, nhanh nhạy trong mọi tình huống, nói ngắn gọn và luôn thể hiện sự nhiệt tình.
Sưu tầm.

Chúng Ta Đã Sai Lầm Khi Chỉ Trích Nền Giáo Dục Việt Nam

Giáo dục Việt Nam quá thối nát? Bạn thực sự nghĩ nền giáo dục hiện tại đang suy tàn như vậy sao? Tôi không nghĩ nền giáo dục Việt Nam đang xuống cấp như nhiều người vẫn nói. Hôm nay, tôi muốn cùng bạn nghiêm túc truy xét tận cùng nền giáo dục Việt Nam để khẳng định lại giá trị thật sự của nền giáo dục ấy, và tìm ra một giải pháp thích hợp cho nền giáo dục nước nhà.

Thực trạng nền giáo dục Việt Nam

Bạn là người quan tâm đến xã hội, đặc biệt đến giáo dục chắc chắn sẽ đồng ý với ý kiến của nhiều người hiện nay về thực trạng giáo dục Việt Nam: thối nát, lạc hậu, giáo điều. Tôi lại không nghĩ nền giáo dục Việt Nam tiêu cực đến mức vậy, ngược lại nó đang rất thành công, rất linh hoạt và hoàn thành tốt trách nhiệm của nó.

Những hình ảnh cô cậu trong chiếc áo học trò đánh hội đồng bạn học, những câu chuyện suy đồi đạo đức của một bộ phận không nhỏ các giáo viên, những kết quả bét bát khi so sánh với các nền giáo dục nước ngoài, và cuối cùng là khả năng cạnh tranh kém cỏi của sinh viên Việt Nam so với thế giới đã khiến chúng ta đi đến những kết luận đầy tính tiêu cực trên. Có lẽ chúng ta quá nóng vội khi đưa ra những khẳng định trên về nền giáo dục Việt Nam, mà bỏ sót một điều quan trọng bậc nhất trong nền giáo dục Việt Nam.

Giáo dục là phương tiên của chính trị

Khi chúng ta nhìn thấy thế giới ngoài kia đang phát triển từng giờ, văn minh từng ngày, giàu có từng năm chúng ta hốt hoảng khi nhìn lại quê hương. Thời gian càng trôi Việt Nam càng lùi, càng lùi so với đà phát triển của thế giới, và chúng ta la lên rằng: giáo dục Việt Nam thối nát lắm rồi. Bạn ơi, bạn sai rồi. Giáo dục Việt Nam không hề thối nát như bạn nghĩ, mà thực ra nó đã hoàn thành tốt mục đích ban đầu của nó. Giáo dục là phương tiện cho chính trị.

Tôi nghiêm túc nói với bạn điều đó, chúng ta sai rồi, chúng ta đã chỉ trích sai hệ thống giáo dục con người xã hội chủ nghĩa rồi. Bạn nhìn cho rõ, suy cho tận bạn sẽ thấy nền giáo dục này quá thành công, quá tuyệt vời, quá sức tưởng tượng để có thể nói thành lời.

Nó thành công khi hoàn thành tốt một phương tiên để duy trì nền chính trị độc đảng. Nó quá tuyệt vời khi đã tạo ra những thần dân hơn là công dân. Chúng ta đã sai khi nghĩ rằng giáo dục phải là giáo dục con người giải phóng. Giải phóng khỏi các giáo điều cũ kỵ, giải phóng khỏi sự cuống tín, giải phóng khỏi sự man rợ, vô cảm, vô trách nhiệm, thay vào đó là tạo ra những công dân tự do về ý chí, độc lập về nhận thức, có tinh thần trách nhiệm, liên đới với xã hội, vân vân.

Chúng ta lấy khuôn mẫu của Mỹ, Phương Tây, Nhật Bản rồi đối chiếu với kết quả của giáo dục Việt Nam, và đi đến những nhận xét hoàn toàn thiếu thực tế. Ở nước ngoài người ta không chấp nhận biến giáo dục làm phương tiện cai trị, nên người ta mới có những kẻ thích phản kháng và nổi loạn như vậy.

Ở Việt Nam, chúng ta chấp nhận để giáo dục làm phương tiện cho chính trị, nên con em chúng ta mới trở nên ngu muội và trơ lì như thế. Thử hỏi giáo dục như công cụ cho quyền lực chính trị như vậy, thì làm sao đòi hỏi kết quả khác đi được. Bởi thế, tôi và các bạn đã hoàn toàn sai lầm khi chỉ trích nền giáo dục Việt Nam.

Chúng ta bảo giáo dục này xấu xa, thối nát, lạc hậu chẳng khác nào chửi vào đống phân bò sao mày thối thế, sao mày mất vệ sinh thế. Giáo dục Việt Nam đã không được độc lập để có thể tự vận động, tự phát triển, tự sửa đổi, tự sáng tạo nên chúng ta không thể làm gì được nó. Nguyền rủa nó, nhổ nước bọt vào nó, khước từ nó là chúng ta đang làm với chính chủ nhân của nó, đó chính là thể chế chính trị.

Muốn cải cách giáo dục, muốn cách mạng nó, hay làm bất kỳ điều gì tốt cho nó, chỉ có thể làm hai việc sau: một thay đổi thể chế chính trị để nó phù hợp với lý tưởng giáo dục mà chúng ta mong muốn; hai là yêu cầu giáo dục phải tách rời khỏi chính trị, nó phải được độc lập hoạt động.

Giáo dục phải độc lập

Bấy lâu nay chúng ta nói về giáo dục, đưa ra nhiều giải pháp, thay đổi nhiều chương trình với hy vọng cứu vớt được nền giáo dục công cụ này mà quên mất rằng: phương tiện và cộng cụ làm sao có thể phát triển và hoàn thiện chính nó được. Chúng ta chỉ trích công cụ, lên án phương tiện mà bỏ sót chủ nhân đích thực của nó thì chẳng khác nào dã tràng xây cát biển đông. Bước đầu tiên cần làm, và quan trọng nhất đó là độc lập giáo dục thì chúng ta lại bỏ quên.

Các hoạt động giáo dục phải hoàn toàn được độc lập, tức là nó không được và không thể là công cụ và phương tiện cho bất kỳ hệ thống niềm tin nào. Giáo dục không phải là phương tiện của chính trị, tôn giáo, kinh tế. Giáo dục phải là tất cả.

Giáo dục chính trị, kinh tế, tôn giáo mà không phải là phương tiện và cộng cụ của nó. Nếu nó là công cụ cho chính trị thì nó chỉ tạo ra những con người biết tuân phục mà không còn khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu. Nếu giáo dục là công cụ của kinh tế thì chỉ tạo ra những con người hám lợi, tham lam và ích kỷ.

Nếu giáo dục là công cụ của hệ thống niềm tin nào đó thì nó chỉ tạo ra những kẻ cuồng tín, độc ác và ngu muội. Giáo dục phải được độc lập trong các hoạt động của nó. Độc lập không có nghĩa là cô lập khỏi các vấn đề xã hội. Một khi giáo dục được độc lập hoạt động, thì khi đó mới hy vọng về một sự thay đổi tích cực trong xã hội.

Đòi hỏi giáo dục phải được hoạt động độc lập đối với chúng ta mà nói, đó là một việc làm nguy hiểm. Tại sao ư? Chúng ta quay trở lại khẳng định tối quan trọng của nền giáo dục Việt Nam, đó là phương tiện cho chính trị. Câu hỏi là: tại sao lại biến giáo dục thành thử công cụ đê hèn như vậy? Chúng ta biết tất cả những vấn đề như kinh tế, tôn giáo, chính trị đều là con người.

Chính con người làm nên chính trị, và vì thế muốn duy trì chính trị cần làm chủ con người. Giáo dục lại đóng một vài trò cực kỳ quan trọng trong sự hình thành nên cá tính, nhân cách, suy nghĩ của một con người. Nếu chỉ kiếm soát con người bằng nhà tù và mật vụ mà bỏ quên giáo dục thì chỉ cần một thể hệ được lớn lên trong một nền giáo dục độc lập, thể chế chính trị đó cũng sẽ tự suy tàn.

Bởi sẽ không ai tuân phục họ, không ai làm mật vụ cho họ, không ai biết xấu là mà làm càn, biết sai mà làm liều. Bạn chắc biết điều này, nền giáo dục công cụ là nền giáo dục giết chết lương tri con người, còn nền giáo dục độc lập lại tạo ra sự tự do bên trong lẫn bên ngoài.
Thật sai lầm khi để giáo dục giải phóng con người, mà vẫn muốn duy trì thứ quyền lực độc tài bằng gian dối và bạo lực. Bởi thế thật đúng khi nói, bạn và tôi sẽ là thế lực thù địch cho nền chính trị này nếu chúng ta dám đòi hỏi một nền giáo dục độc lập.

Một đòi hỏi đúng đắn nhưng chúng ta không dám làm, bởi chúng ta còn quá nhiều nỗi sợ. Tôi biết bạn sợ, tôi cũng vậy. Bởi vì tôi và bạn còn sợ hãi, nên chúng ta không thể làm việc này một mình, đúng chứ? Bạn cần một cánh tay, tôi cũng cần một cánh tay.

Chỉ cần một người cho nhau mượn một cánh tay, và khi có nhiều cánh tay bên nhau, chúng ta sẽ làm nên được điều đúng đắn cho con em chúng ta, đất nước chúng ta. Và việc đầu tiên cần làm để thay đổi nền giáo dục Việt Nam, đó là yêu cầu một thể chế chính trị dân chủ và tự do thật sự.

Thể chế chính trị dân chủ và tự do

Tôi đang đưa bạn vào vấn đề chính trị, một vấn đề mà tôi nghĩ nó không mấy thoải mái đối với chúng ta. Thật sự nếu tránh được nó khi bàn về giáo dục, tôi cũng đã tránh để có nhiều người đọc bài viết này. Nhưng thật gian dối và không công bằng với nhau khi tôi né tránh nó.

Với lại, tôi không muốn bàn về giáo dục một cách hời hợt, và không thực tế. Tôi muốn nói vấn đề giáo dục một cách thực tế, có nghĩa là nếu đưa ra một giải pháp nó phải có hiệu quả đối với tầng lớp nghèo trong xã hội.

Tôi biết có nhiều người đưa ra rất nhiều giải pháp cho nền giáo dục Việt Nam, nhưng họ lại bỏ quên những tầng lớp công nhân và nông dân ở Việt Nam. Bạn có thể đưa ra một giải pháp như giáo dục online, hay là cha mẹ tự giáo dục con cái, nhưng những điều này không khả thi đối với con em tầng lớp lao động nghèo khó ở Việt Nam.

Học online điều cần là có một máy tính có kết nối mạng. Cứ cho là gia đình nào cũng có thể mua cho con em họ những trang thiết bị đó, vậy ai dám chắc những đứa trẻ kia không chơi game hay xem phim trên mạng thay vì học?

Vậy là cần có một người lớn coi chừng việc học online này của các em. Đây là một sự lãng phí về nhân lực, và hơn nữa không khả thi đối với cường độ làm việc của các gia đình lao động nghèo ở Việt Nam. Còn đề xuất cha mẹ tự giáo dục con cái thì lại càng khó khăn hơn đối với thực trạng gia đình Việt Nam.

Bởi thế, tôi quan tâm đến nền giáo dục truyền thống, tức là đến trường và học theo một thời khoa biểu nhất định. Và vì lẽ đó, tôi phải nói về chính trị vì thứ giáo dục truyền thống đó đang trở thành thứ công cụ hám lợi, hám danh của các chính trị gia.

Thể chế chính trị ở Việt Nam đang là lực cản lớn nhất cho một nền giáo dục thật sự. Và không thể làm gì khác hơn ngoài sự thay đổi nó, thay đổi một thể chế chính trị độc tài sang một thể chế dân chủ và tự do thật sự.

Những con em của các gia đình tầng lớp công nhân và nông dân chỉ có thể hi vọng vào nền giáo dục khi nó được hoạt động độc lập. Và giáo dục chỉ trở lại với đúng như nó là khi chúng ta có một nền thể chế dân chủ và tự do.

Tôi đang yêu cầu bạn tham gia các hoạt động chính trị chăng? Không, xin bạn đừng hiểu nhầm. Tôi chỉ hy vọng nếu bạn không chống đối lại thể chế này thì cũng đừng ủng hộ nó. Bạn không thể lên tiếng chống lại sai trái mà hệ thống chính trị này đang làm, thì đừng hùa theo bọn họ chống lại những người tranh đấu cho dân chủ và tự do.

Nếu bạn không thể chống tham nhũng thì cũng đừng vô cảm với những người chống tham nhũng. Họ cần bạn ủng hộ và lên tiếng giúp họ khi bị nguy nan.

Nếu bạn không thể chống lại những tên công an đánh dân thì cũng đừng thờ ơ với các nạn nhân của họ. Mỗi người làm một ít, và dứt khoát không tiếp tay và ủng hộ những sai trái do thể chế này gây ra, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ có thể mơ đến một thay đổi tích cực cho quê hương, gia đinh và con em của mình.

Làm Gì Ở Đại Học Để Xin Được Việc Làm Ngay Khi Ra Trường?

Dành thời gian cho việc làm tình nguyện

Hoạt động tình nguyện là công việc giúp bạn gián tiếp chứng minh được những kỹ năng mà nhà tuyển dụng nào cũng muốn thấy được ở ứng viên: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp với cộng đồng, kỹ năng sắp xếp và tổ chức thời gian, kỹ năng xin tài trợ… Oanh Nguyễn, cựu du học sinh tại Huddersfield (Vương quốc Anh) đã trau dồi thêm kĩ năng mềm và có cơ hội luyện tập thêm ngôn ngữ nhờ tham gia hoạt động thiện nguyện ở Charity Shop. 
SVOT mách bạn: Bạn có thể tìm kiếm cơ hội thiện nguyện trên trang của trường hay trên các kênh thông tin của các tổ chức OxfamBritish Heart Foundation,Cancer Research UK...

Hăng hái trong công việc truyền thông của trường

Nếu không muốn đóng khung quỹ thời gian rảnh của mình vào những công việc đòi hỏi quá nhiều thời gian như tình nguyện hay làm thêm, bạn có thể tham gia vào nhóm truyền thông của trường. Công việc này thường là lựa chọn của những sinh viên năng nổ, thích giao lưu kết bạn và kỹ năng diễn đạt (cả nói vẫn viết) tốt.
Trở thành thành viên của nhóm truyền thông, bạn sẽ cùng văn phòng sinh viên quốc tế lên kế hoạch tổ chức tuần lễ tân sinh viên, các sự kiện tham quan, giao lưu cho sinh viên trong trường. Ngoài ra, bạn sẽ thay mặt nhà trường mở rộng quan hệ với các cựu sinh viên, doanh nghiệp, cơ quan địa phương nên có thể nói đây là công việc giúp ích rất nhiều cho việc thiết lập mạng lưới quan hệ của bạn.
Marketing Analysis Accounting Team Business Meeting Concept
Nếu là sinh viên học truyền thông, marketing, báo chí, đối ngoại, kinh doanh… thì đây chính là hoạt động ngoại khóa bạn nên tham gia.
SVOT mách bạn: Không có gì phải bàn cãi, những video, bài viết, ấn phẩm có tên bạn trong danh sách người thực hiện chắc chắn sẽ là điểm cộng rất lớn cho bộ CV xin việc. Vì thế, hãy lưu giữ cẩn thận những sản phẩm này vì sẽ có lúc bạn cần đến chúng.

Cống hiến tài năng cho trường Đại học

Bạn đã từng là thành viên đội tuyển bóng ném ở trường cấp 3, hay đã từng là MC của các sự kiện âm nhạc nơi trường cũ. Vậy thì tại sao không tiếp tục “tỏa sáng” tại ngôi trường Đại học mà bạn đang theo học?
Đừng nghĩ những hoạt động có tính chất “văn-thể-mỹ” này chỉ để rèn luyện sức khỏe hay “giải trí” cho vui. Nếu thi đấu và cống hiến hết mình, bạn sẽ nhận được nhiều hơn thế. Bởi các công ty không chỉ cần những nhân viên cần mẫn, nên việc tuyển dụng một nhân vật có khả năng nói trước đám đông hay có năng lực đoàn thể cũng là một ưu thế cho bạn khi đi xin việc. Hơn thế, việc chơi thể thao còn chứng tỏ bạn là người khỏe mạnh, có đam mê, và có tinh thần đồng đội.
SVOT mách bạn: Trong khuôn khổ các trường Đại học, có rất nhiều cuộc thi tài năng được tổ chức. Bạn có thể liên hệ với văn phòng sinh viên hoặc văn phòng sinh viên quốc tế để đăng ký tham gia và tìm kiếm cơ hội gặt hái thành tích cho nhà trường và cho chính bạn.

Làm thêm có định hướng

Nếu biết chọn lựa công việc làm thêm phù hợp với định hướng nghề nghiệp, đồng thời làm tốt công việc đó, có thể nó sẽ là cánh cửa mở ra cho bạn những cơ hội tốt sau khi tốt nghiệp. Những mối quan hệ, kỹ năng, kinh nghiệm trau dồi được trong quá trình làm việc sẽ giúp hồ sơ của bạn nổi bật hơn so với các ứng viên khác.
Nếu bạn theo học lĩnh vực kế toán, hãy tìm kiếm cơ hội trở thành trợ lí kế toán trong một cửa hàng địa phương. Là người đam mê lĩnh vực kinh doanh trong lĩnh vực thời trang, tại sao không nộp đơn xin làm trợ lí bán hàng ở shop thời trang mà bạn hay lui tới, hay thậm chí, bạn có thể chủ động vận hành một mô hình kinh doanh nào đó (bán hàng qua mạng, bày bán hàng thủ công mỹ nghệ trong nước tại hội chợ của thành phố nơi bạn du học chẳng hạn).

SVOT mách bạn: Bạn nên xác định công việc mà mình muốn tìm được chính xác là công việc gì, và thuộc mảng lĩnh vực nào để khoanh vùng tìm kiếm. Có thể đăng ký email để nhận thông tin cơ hội việc làm ở một số mảng cụ thể trên các trang web tìm việc. Đặc biệt, các công ty cũng thường xuyên đăng tin tìm việc trên bảng thông báo của nhà trường nên bạn cũng nhớ lưu ý kênh thông tin này.
Theo HCVN

19 January, 2017

Mazda Sắp Ứng Dụng Động Cơ Chạy Xăng Không Bu-Gi

Động cơ xăng SkyActiv thế hệ mới trên Mazda 3 sẽ ứng dụng công nghệ cháy đồng đều do nén mà không cần bu-gi đánh lửa.

Hãng xe Nhật Bản cho biết động cơ SkyActiv thế hệ mới lần đầu tiên ứng dụng công nghệ cháy đồng đều do nén HCCI (Homogeneous Charge Compression Ignition) sẽ xuất hiện trên Mazda 3 vào 2018. Sau đó sử dụng rộng rãi trên các sản phẩm khác của Mazda, theo Nikkei.

Động cơ SkyActiv thế hệ mới trên Mazda3 sẽ ứng dụng công nghệ HCCI.

HCCI trên động cơ xăng về cơ bản là công nghệ đốt cháy hỗn hợp hòa khí (nhiên liệu + không khí) mà không cần bu-gi đánh lửa. Điều này tương tự cách thức hoạt động trên động cơ diesel.

HCCI nén hòa khí dưới áp suất và nhiệt độ thích hợp trong buồng đốt, tạo ra vùng cháy đồng đều. Mục đích hướng đến hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu khí thải. Mazda tự tin tuyên bố mức tiêu hao nhiên liệu cải thiện 30%, cũng như lượng phát thải giảm khi ứng dụng công nghệ HCCI cho động cơ SkyActiv thế hệ mới. 

Nếu theo đúng kế hoạch, Mazda sẽ tiếp nối General Motors sử dụng HCCI. Tháng 8/2007, hãng xe Mỹ thử nghiệm công nghệ này trên hai mẫu sedan Saturn Aura và Opel Vectra. Tuy nhiên việc sử dụng đại trà trên các sản phẩm khác là điều chưa thể thực hiện. Daimler và Hyundai cũng từng theo đuổi công nghệ trên nhưng đều không thành công.

Theo vnexpress.net

Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục Máy Tính Không Vào Được Mạng

Máy tính không vào được mạng là câu hỏi đến từ rất nhiều bạn hiện nay đã và đang gặp phải. Dưới đây là những nguyên và cách khắc phục giúp bạn truy cập internet nhanh chóng và ổn định.



Nguyên nhân nào khiến máy tính bạn không thể truy cập internet mặc dù bạn đã ping cả LAN và cả WAN vẫn được nhưng truy cập trình duyệt lại không đươc được mạng. Để khắc phục mỗi khi máy tính không vào được internet bạn hãy xem vào thực hiện sửa lỗi bằng một trong những cách đơn giản sau.

1. Khởi động lại thiết bị wifi : modem, router

Nếu bạn không thể kết nối được internet, rất có thể nguyên nhân là do nhà cung cấp dịch vụ. Để xác định, hãy kiểm tra Modem và Router. Hãy quan sát 4 đèn là: Power, Data, Lan và Link. Nếu bạn thấy đèn dữ liệu đang hoạt động (Data) không liên tục nháy sáng thì phần nhiều khả năng nguyên nhân không kết nối được internet là do nhà cung cấp dịch vụ.
Hãy thử khắc phục lỗi này bằng cách tắt đi rồi bật lại Modem bởi vì cũng giống như máy tính, đôi khi lỗi có thể khắc phục bằng cách restart. Một cách khác để thử khắc phục lỗi này là bạn hãy thử ấn vào nút hard reset trên modem, tuy nhiên, sau đó bạn sẽ phải tự cấu hình lại trang router trên máy của bạn.

2. Đặt lại IP tĩnh cho máy tính

Bước 1: Bạn kích phải chuột vào biểu tượng mạng chọn Open Network And Sharing Center.


Bước 2: Chọn Change adapter settings.


Bước 3: Ấn chuột phải vào wifi đã kết nối chọn Properties.


Bước 4: Kích đúp vào Internet Protocol Version 4 (TCP/IPv4).


Bước 5: Trong hộp thoại Internet Protocol Version 4 chọn dòng Use the folowing IP address.

IP address: là thông số của modem. 192.168.1 là bắt buộc, bạn chỉ được thay đổi số cuối cùng trong dãy. Chẳng hạn như 192.168.1.16 hoặc 192.168.1.20....

Default Gateway: nhập vào địa chỉ IP dùng để truy cập vào phần quản trị của modem bạn hãy nhập là 192.168.1.1.

Tiếp tục chọn Use the folowing DNS server addresses và điền DNS của google là 8.8.8.8 và 8.8.4.4.

Chọn OK.

3. Sử dụng câu lệnh trong DOS

Vào Search gõ cmd và ấn chuột phải vào Command Prompt → Run as administrator.


Trong Administrator: Comman Prompt gõ lệnh netsh winsock reset catalog.


Tiếp tục lệnh netsh int ip reset reset.log


Sau đó khởi động lại máy tính là vào được.

4. Kích hoạt chế độ từ Disable thành Enable

Nhiều trường hợp đã để chế độ Disable của mạng bởi vậy khiến máy tính không thể truy cập được vào mạng. Hãy kích hoạt chế độ Disable bằng Enable bằng cách: Ấn chuột phải vào biểu tượng mạng → Open Network and Sharing Center → Change adapter settings → Chuột phải vào mạng dùng chuyển Disable thành Enable.

5. Chưa cài driver cạc mạng cho máy tính

Nếu chưa được hãy kiểm tra xem máy tính bạn đã cài driver mạng hay chưa nhé để kiểm tra bạn thực hiện như sau:

Chuột phải vào Computer → Manage → Device manager → Network adapters.

6. Do virus chặn cổng nên không vào được mạng

Nếu có nhiều máy tính dùng chung một đường mạng, trong đó có 1 máy tính không thể vào mạng thì nhiều khả năng là do lỗi phần mềm trên máy, do virus, driver card mạng bị lỗi hoặc do trình duyệt. Để giải quyết vấn đề này, bước đầu tiên hãy tiến hành thao tác quét virus trên máy tính của bạn.

Hãy sử dụng những phần mềm diệt virus để quét mỗi khi máy tính lỗi mạng. Điều duy nhất giúp bảo vệ máy tính hiệu quả và lại vào mạng thành công.
Tổng hợp.

18 January, 2017

5 Nhóm Giải Pháp Cấu Trúc Lại Giáo Dục Đại Học

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, những yếu kém của chất lượng giáo dục đại học bộc lộ ngày càng rõ khiến xã hội lo ngại và bức xúc.

Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH thời gian qua, tại hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học” vừa diễn ra tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chất lượng giáo dục ĐH đã có những bước chuyển tích cực, một số trường, ngành có đột phá (chương trình tiên tiến, chất lượng cao).

Tuy nhiên xét trong một số trường, một số ngành chất lượng đào tạo vẫn chưa đồng đều. Xét theo yêu cầu của thị trường và nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta vẫn chưa theo kịp. Sinh viên ra trường còn thất nghiệp hoặc rất khó khăn trong tìm việc. Những bất cập yếu kém của chất lượng giáo dục ĐH bộc lộ ngày càng rõ khiến xã hội lo ngại và bức xúc.

Lý giải nguyên nhân chính của tồn tại này ở góc độ trách nhiệm của nhà cung cấp nguồn nhân lực, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng có 3 nguyên nhân chính. Đó là đội ngũ cán bộ giảng viên chưa đáp ứng năng lực, cơ sở vật chất không đảm bảo, kinh phí đầu tư để đào tạo cho một sinh viên quá thấp. Thực tế ở Việt Nam hiện nay tính chi phí đào tạo khoảng 500 USD/sinh viên/năm; trong khi các nước chi phí đào tạo khá cao như ở Mỹ khoảng 16.000 USD (trường công), 36.000 USD (trường tư).

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Hệ thống chính sách giáo dục còn bất cập, năng lực quản trị ĐH còn kém. Đối với vấn đề đào tạo, hiện nay chủ yếu các trường dựa vào kinh nghiệm, nguồn lực vốn có của mình khi xây dựng các chương trình đào tạo. Điều này dẫn đến việc nhiều ngành đào tạo có thế mạnh trước đây thì hiện nay tuyển sinh khó khăn, còn những ngành mới thị trường đang có nhu cầu lại không đào tạo, khiến cho sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường thất nghiệp ngày một nhiều. Điều đó cho thấy cách tiếp cận đào tạo hiện nay của các trường không còn phù hợp.

Yêu cầu đặt ra phải nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đã cấp bách, không thể chậm trễ hơn nữa. Nhất là khi Việt Nam đã hội nhập thị trường lao động với các nước ASEAN.

Xuất phát từ quan điểm trong lộ trình nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, cả trường công lập và ngoài công lập đều cùng phải đồng hành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã vạch ra 5 nhóm giải pháp để chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH, khắc phục những bất cập yếu kém để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, gắn đào tạo với nhu cầu, tạo việc làm cho sinh viên.

Nhóm giải pháp thứ nhất, tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống các trường ĐH. Coi đây là giải pháp căn cơ cấp bách và lâu dài, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, “Để thực giải pháp này, các trường phải tiến hành kiểm định.

Dự kiến, từ nay đến tháng 6/2017 sẽ tiếp tục triển khai kiểm định các trường theo bộ tiêu chí kiểm định đã ban hành. Đến tháng 1/2018 sẽ tiến hành kiểm định theo tiêu chí AUN. Đồng thời, cùng với những đánh giá của thị trường, kết quả kiểm định chính là phương thức phân tầng xếp hạng thay vì hành chính.

Song song với kiểm định, Bộ sẽ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH một cách mạch lạc. Với các trường không trực thuộc Bộ chủ quản, sẽ khuyến khích đẩy mạnh tự chủ, theo lộ trình.

Nhóm giải pháp thứ hai là tăng cường các yếu tố đảm bảo chất lượng gồm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất. Với đội ngũ giáo viên, sẽ tiến hành rà soát, quy hoạch lại ngành nghề để tính cơ số giáo viên trên nguyên tắc hợp lý, có lộ trình chuyển đổi, ưu tiên đầu tư cho những ngành mới triển vọng.

Bên cạnh việc xây dựng Đề án tăng cường năng lực giảng viên, Bộ cũng sẽ ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí từ đề án 911 để đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường ĐH, không phân biệt công tư. Ngoại trừ một số trường thực hiện nhiệm vụ chính trị sẽ được ưu tiên hơn, tất cả các trường còn lại đều tham gia thị trường giáo dục, cạnh tranh một cách lành mạnh”.

Xây dựng chuẩn về trình độ, bằng cấp cho giáo viên và đội ngũ lãnh đạo các trường. Không chỉ đội ngũ giảng viên, đội ngũ lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường, Phó hiệu trưởng…) cũng phải được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đạt chuẩn.

Riêng với trường công lập, đội ngũ cán bộ kế cận phải qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, được cấp chứng chỉ mới được đưa vào quy hoạch nhân sự lãnh đạo.

Nhóm giải pháp thứ ba là vấn đề tài chính. Bộ trưởng yêu cầu các trường phải cân đối chất lượng với giá, đi sâu vào chất lượng, không chạy theo số lượng. Với các trường công, Bộ trưởng yêu cầu khi xây dựng giá học phí phải có lộ trình, không đẩy giá không đúng với chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng. Đa dạng hóa nguồn thu, không chỉ tập trung vào một nguồn thu từ học phí như hiện nay (chiếm tới 95-97%)

Nhóm giải pháp thứ 3, đó là đẩy mạnh quản trị ĐH theo hướng tự chủ. Bộ trưởng yêu cầu các trường tự rà soát lại các ngành đào tạo trên cơ sở bám sát thị trường lao động, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ tầm nhìn 5-10 năm theo hướng chuyển từ từ thâm dụng lao động rẻ sang thâm dụng khoa học công nghệ.

Nhóm giải pháp thứ tư liên quan đến chính sách cơ chế. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đây là giải pháp là căn bản, nền tảng cho 03 nhóm giải pháp đã nêu trên. Theo đó, ngành GD sẽ rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới GD nói chung, GD ĐH nói riêng, mà trọng tâm 3 nhóm vấn đề đã nêu ở trên.

Nhóm giải pháp thứ năm là truyền thông để định hướng xã hội, tuyên truyền, giải thích phân tích chính sách, giới thiệu quảng bá các thành tựu và bảo vệ những điểm mạnh của trường trước những luận điểm thông tin sai trái. Mỗi trường ĐH phải xây dựng một bộ phận truyền thông chuyên nghiệp.

Theo VOV.vn